Nhà Trắng ngày 9/11 thông báo Israel đã đồng ý ngừng bắn 4 giờ mỗi ngày ở Dải Gaza để cho phép người dân sơ tán khỏi vùng chiến sự và chuyển viện trợ nhân đạo vào khu vực. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho hay lệnh ngừng bắn sẽ được thông báo trước 3 giờ để người dân có thời gian chuẩn bị.
Đây là kết quả cho nỗ lực kéo dài nhiều tuần của chính quyền Tổng thống Joe Biden,àinghivềlệnhngừngbắngiờcủaIsraelởcốc cốc kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý tạm ngừng chiến dịch tấn công trong thời gian ngắn để giảm bớt đau thương ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi thông báo được đưa ra, lực lượng Israel đã bắn phá bệnh viện Al-Shifa, cơ sở y tế lớn nhất Dải Gaza, và điều xe tăng, thiết giáp phong tỏa 4 bệnh viện tại miền bắc khu vực, với cáo buộc Hamas biến những nơi này thành chỗ ẩn náu.
Với hơn 11.000 người thiệt mạng và gần 27.500 người bị thương ở Gaza kể từ khi Israel bắt đầu tấn công, bệnh viện Al-Shifa mới nhận được hai chuyến hàng viện trợ nhân đạo. Cơ sở này rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn khi nhiều bệnh viện khác bị đóng cửa do giao tranh và cuộc bao vây của Israel ở Gaza.
Dải Gaza đối mặt tình trạng thiếu nước, hệ thống y tế đứng trên bờ vực sụp đổ vì thiếu nhiên liệu, khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực ngày càng trầm trọng.
Lệnh ngừng bắn 4 giờ mỗi ngày của Israel có thể mang lại hy vọng rằng một số bệnh viện và cơ sở thiết yếu của Gaza có thể nhận được nguồn viện trợ bổ sung. Tuy nhiên, các cuộc tấn công trong 24 giờ qua gây nhiều hoài nghi về tác động thực sự của động thái này, theo giới chuyên gia.
Emanuela-Chiara Gillard, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đạo đức, Luật pháp và Xung đột vũ trang thuộc Đại học Oxford kiêm thành viên tổ chức Chatham House tại Anh, hoan nghênh thông báo tạm dừng nhân đạo ở Gaza, song cho rằng nó tồn tại nhiều lỗ hổng.
"Đây chỉ là quyết định tạm ngừng đơn phương của Israel và do Mỹ thông báo, chứ không phải thỏa thuận được nhất trí giữa Tel Aviv, Hamas và các bên khác", bà nói.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu Hamas và ít nhất 7 nhóm vũ trang khác ở Gaza có tôn trọng 4 giờ ngừng bắn mỗi ngày của Israel hay không, khi các lực lượng này không cam kết bất kỳ điều gì. Bà Gillard cho rằng cần có một bên trung gian kết nối thỏa thuận ngừng bắn được cả hai bên tôn trọng và tuân thủ.
Chuyên gia Đại học Oxford cũng cho rằng Israel cần thông báo chi tiết về quyết định tạm ngừng bắn, nếu không dân thường có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Các nhà phân tích khác cho hay quyết định ngừng bắn nhân đạo không đáp ứng đủ nhu cầu và Israel cần phải chấm dứt hoàn toàn chiến dịch tấn công ở Gaza.
"Tạm ngừng bắn không phải là giải pháp", Abdel Hamid Siyam, giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Rutgers ở Mỹ, nói, thêm rằng điều cần thiết là "một lệnh ngừng bắn đủ để đảm bảo dòng chảy viện trợ nhân đạo không bị gián đoạn, giúp người nước ngoài rời Gaza và thúc đẩy các cuộc đàm phán diễn ra".
Chuyên gia này cho biết những quyết định ngừng bắn đơn phương mà Israel đưa ra trước đây ở Dải Gaza đều không thể bảo vệ dân thường.
"Nếu đây chỉ là một khoảng dừng để cho phép người dân sơ tán từ miền bắc tới miền nam, nó không hiệu quả trong quá khứ và cũng sẽ không hiệu quả trong tương lai. Trong 4 giờ ngắn ngủi, mọi người sẽ không thể kịp di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm khi không có ôtô, không có nhiên liệu", ông nói.
Tuy nhiên, Siyam dự đoán động thái nhượng bộ này của Israel có thể là tiền đề cho một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn. "Áp lực ngày càng tăng với Israel có thể mang tới cơ hội cho một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 2-3 ngày. Tôi nghĩ nó sẽ được thông báo trong vài ngày tới", ông nói.
Mỹ cũng có lợi ích riêng trong nỗ lực thúc đẩy đồng minh Israel ngừng bắn 4 giờ mỗi ngày, theo Sami Hamdi, giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu rủi ro chính trị International Interest ở Anh.
"Quyết định tạm ngừng bắn được xem là phương tiện để Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ chiến dịch của Israel ở miền bắc Gaza, đồng thời cho công chúng toàn cầu đang phẫn nộ thấy rằng đó là động thái nhân đạo", Hamdi nói.
Tổng thống Joe Biden đang chịu nhiều áp lực trong nước, khi ông chưa gây được nhiều sức ép với đồng minh Israel trong chiến dịch tấn công Gaza. Hamdi cho rằng điều thực sự khiến Tổng thống Mỹ lo lắng là các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông đang đứng sau cựu tổng thống Donald Trump ở một số bang chiến trường.
Mỹ tới nay vẫn bảo vệ quyền tự vệ của Israel và từ chối kêu gọi nước này ngừng bắn lâu dài, cho rằng điều đó sẽ tạo cơ hội cho Hamas củng cố lực lượng. Tuy nhiên, áp lực công chúng ngày càng tăng có thể khiến lập trường này thay đổi và ông Biden sẽ buộc phải can thiệp để ngăn cuộc chiến của Israel gây ra thảm họa nhân đạo khủng khiếp hơn, theo Hamdi.
Tuy nhiên, sự chần chừ của Israel về quyết định tạm ngừng bắn cũng phơi bày căng thẳng ngày càng tăng giữa Washington và Tel Aviv.
"Tel Aviv dường như lo ngại rằng việc Mỹ thúc đẩy lệnh tạm ngừng nhân đạo 4 giờ mỗi ngày là bàn đạp để ông Biden kéo ông Netanyahu vào các cuộc đàm phán ngừng bắn hoàn toàn", Hamdi nói.
Chuyên gia này nói thêm người Palestine cũng không nhiệt tình đón nhận quyết định ngừng bắn 4 giờ mỗi ngày. Họ đang phải đối mặt lựa chọn khó khăn giữa tính mạng gặp nguy hiểm khi ở lại và việc mất đất đai nhà cửa khi rời đi.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng còn quá sớm để kết luận lệnh ngừng bắn 4 giờ mỗi ngày có hữu ích hay không.
"Chúng tôi sẽ bình luận sau khi xem xét nó thực tế diễn ra thế nào", Juliette Touma, giám đốc truyền thông của Cơ quan Cứu trợ Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine (UNRWA), nói. "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi lệnh ngừng bắn nhân đạo toàn diện hơn trên khắp Dải Gaza để bảo vệ dân thường mọi lúc mọi nơi".
Thanh Tâm(Theo Al Jazeera)